Một số kỹ thuật thực hành kế toán quản trị

Một số kỹ thuật thực hành kế toán quản trị
Rate this post

Bài viết này mình sẽ trình bày một số kỹ thuật thực hành kế toán quản trị, các kỹ thuật được chia thành 4 nhóm bao gồm: Thực hành chi phí, thực hành lập ngân sách, Thông tin để ra quyết định và Hệ thống đo lường hiệu suất.

1. Thực hành chi phí – kỹ thuật thực hành kế toán quản trị nhóm 1

Thực hiện tách biệt chi phí khả biến và chi phí bất biến

Kỹ thuật thực hành kế toán quản trị này đòi hỏi người làm kế toán phải phân biệt giữa chi phí khả biến và chi phí bất biến. Phân biệt chi phí khả biến và chi phí bất biến là một trong những kỹ thuật cơ bản của kế toán quản trị.

Trong doanh nghiệp nhà quản trị cần biết những chi phí của sản phẩm hay dịch vụ để giúp họ có thể đánh giá được lợi nhuận của sản phẩm, đưa ra những quyết định có liên quan đến việc xây dựng cấu trúc sản phẩm sao cho phù hợp, và đôi khi là những quyết định về định giá sản phẩm (Lê Phước Hương, 2017). Việc này còn giúp cho nhà quản trị nắm được tình trạng kết cấu chi phí của doanh nghiệp để có phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Hệ thống chi phí được theo dõi chung cho toàn bộ doanh nghiệp

Theo kỹ thuật thực hành kế toán quản trị này, hệ thống chi phí được theo dõi chung cho toàn bộ doanh nghiệp là một phương pháp được sử dụng để phân bổ hoặc ấn định chi phí sản xuất chung của một công ty cho hàng hóa được sản xuất. Nó phù hợp khi doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự, có số lượng hàng tồn kho tương đối nhỏ và nhất quán ….

Trong trường hợp, nếu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đa dạng, một số trong số đó sử dụng thiết bị đắt tiền trong khi một số chỉ sử dụng thiết bị rẻ tiền hoặc doanh nghiệp muốn có chi phí chính xác để quyết định giá cả thì phương pháp này không phù hợp (AccountingCoach, 2022).

Hệ thống chi phí được theo dõi cho từng phòng ban hoặc nhiều phòng ban trong doanh nghiệp

Khác với kỹ thuật thực hành kế toán quản trị ở trên, trong kỹ thuật thực hành kế toán quản trị này hệ thống chi phí được theo dõi cho từng phòng ban hoặc nhiều phòng ban trong doanh nghiệp. Kỹ thuật này được nhiều doanh nghiệp sử dụng để phân bổ (ấn định, áp dụng) tổng chi phí sản xuất cho hàng hóa mà họ sản xuất ở từng bộ phận thay vì sử dụng hệ thống chi phí được theo dõi chung cho toàn bộ doanh nghiệp.

Lý do cho việc sử dụng hệ thống chi phí được theo dõi cho từng phòng ban hoặc nhiều phòng ban trong doanh nghiệp là do các doanh nghiệp có khả năng sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng sử dụng các quy trình khác nhau ở các bộ phận khác nhau và mỗi bộ phận có chi phí khác nhau (AccountingCoach, 2022).

Hệ thống chi phí được theo dõi bằng phương pháp kế toán chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (ABC)

Trong kỹ thuật thực hành kế toán quản trị này, hệ thống chi phí được theo dõi bằng phương pháp kế toán chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (ABC) ấn định chi phí sản xuất chung cho các sản phẩm theo cách hợp lý hơn so với cách tiếp cận truyền thống là chỉ phân bổ chi phí trên cơ sở giờ máy (AccountingCoach, 2022). Chi phí dựa trên hoạt động trước tiên sẽ xác định các hoạt động là nguyên nhân thực sự của chi phí làm tiêu thức phân bổ. Sau đó, nó chỉ định chi phí của các đối tượng chi phí dựa trên các hoạt động được sử dụng.

2. Thực hành lập ngân sách – kỹ thuật thực hành kế toán quản trị nhóm 2

Lập dự toán ngân sách cho kế hoạch ngắn hạn

Kỹ thuật thực hành kế toán quản trị lập dự toán ngân sách cho kế hoạch ngắn hạn là dự toán chủ đạo được lập cho kỳ kế hoạch (một năm tài chính) và được chia thành từng quý hoặc từng tháng, tuần, v.v.. Dự toán ngắn hạn là dự toán nguồn tài chính hoạt động hàng năm liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: tiêu thụ, sản xuất, mua hàng, thu, chi, v.v.. Dự toán ngắn hạn là cơ sở đưa ra các quyết định tác nghiệp.

Lập dự toán ngân sách cho kế hoạch dài hạn (kế hoạch chiến lược)

Lập dự toán ngân sách cho kế hoạch dài hạn là những dự toán liên quan đến nguồn tài chính cho việc mua sắm tài sản cố định, đất đai, nhà xưởng, tài sản dài hạn gắn với hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều năm. Kỹ thuật thực hành kế toán quản trị Dự toán dài hạn đảm bảo khi thời hạn dự toán kết thúc doanh nghiệp sẽ có đủ nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tài sản dài hạn mới. Dự toán dài hạn chính là những kế hoạch dài hạn thể hiện các mục tiêu chiến lược, phát triển của doanh nghiệp.

Lập dự toán ngân sách dựa trên cơ sở hoạt động (ABB) (Như ngân sách doanh thu, mua hàng, marketing, quản lý doanh nghiệp, ngân sách tài chính v.v.)

Lập ngân sách dựa trên hoạt động là một hệ thống lập kế hoạch theo đó chi phí được liên kết với các hoạt động, và các khoản chi sau đó được lập ngân sách dựa trên mức hoạt động dự kiến. Cách tiếp cận này khác với hệ thống lập ngân sách truyền thống, trong đó các mức chi phí hiện tại được điều chỉnh theo lạm phát và những thay đổi lớn về doanh thu để tạo ra ngân sách hàng năm.

3. Thông tin để ra quyết định – kỹ thuật thực hành kế toán quản trị nhóm 3

Phân tích chi phí – khối lượng – lợi nhuận (Phân tích điểm hòa vốn, số dư đảm phí, lợi nhuận mục tiêu v.v.) cho các sản phẩm chính

Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận là một trong những kỹ thuật thực hành kế toán quản trị quan trọng khi xem xét các quyết định kinh doanh (Đinh Xuân Dũng và cộng sự, 2007). Việc phân tích này là cơ sở để có thể lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp giữa nhiều phương án được đưa ra.

Tuy nhiên việc đặt chi phí trong mối quan hệ với khối lượng và lợi nhuận cũng có nhược điểm là chỉ có thể thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện (Phạm Văn Dược, 2000, tr. 119):

– Mô hình biến động của doanh thu phải có dạng tuyến tính.

– Mô hình biến động của chi phí phải có dạng tuyến tính trong phạm vi phù hợp.

– Kết cấu bán hàng phải giữ nguyên không đổi trong phạm vi phù hợp.

– Trong những doanh nghiệp sản xuất, mức tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ đều bằng nhau (mức tiêu thụ và mức sản xuất trong kỳ bằng nhau).

Đánh giá các khoản đầu tư vốn chủ yếu dựa trên (các) phương pháp chiết khấu dòng tiền

Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) là một kỹ thuật thực hành kế toán quản trị thực hiện bằng cách đo lường tất cả các dòng thu và dòng chi tiền của một dự án khi nó xảy ra tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Các phương pháp chiết khấu dòng tiền xem xét giá trị thời gian của tiền tệ. Có hai phương pháp chiết khấu dòng tiền chủ yếu là phương pháp hiện giá thuần – NPV và phương pháp tỷ lệ lãi nội bộ – IRR.

Phân tích các khoản đầu tư lớn dựa trên thời gian hoàn vốn

Việc xác định thời gian hoàn vốn hay còn gọi là kỳ hoàn vốn là để đo lường thời gian có thể thu hồi vốn, thông qua các dòng tiền ước tính và đầu tư ban đầu của một dự án.

Phân tích rủi ro các dự án đầu tư lớn bằng cách sử dụng các công cụ phân tích lợi nhuận

Theo Robert Heller (2005, tr. 40) người ra quyết định cần làm quen với các mô hình, những bảng tính hay các đồ thị vẽ bằng máy tính. Ông nói thêm rằng bất kỳ quá trình nào cũng có thể được mô phỏng theo toán học giống như mối quan hệ nguyên nhân và kết quả trong thực tế.

Bằng cách dự đoán trước có thể hạn chế được những tổn thất do thử nghiệm và sai sót trong thực tế. Thông thường để phân tích rủi ro các dự án đầu tư lớn nhà đầu tư thường sử dụng các trình mô phỏng để đánh giá rủ ro và lợi nhuận. Việc thực hiện kỹ thuật thực hành kết toán quản trị này có thể thực hiện bằng excel hoặc những phần mềm chuyên về mô phỏng như Crystal Ball … .

4. Hệ thống đo lường hiệu suất – kỹ thuật thực hành kế toán quản trị nhóm 4

Đánh giá các biện pháp tài chính tại doanh nghiệp

Các biện pháp tài chính có nghĩa là EBITDA và các thước đo khách quan khác về hiệu quả hoạt động và tài chính của doanh nghiệp được doanh nghiệp sử dụng để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trong suốt chu kỳ hoạt động. Doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ biện pháp hiệu quả nào làm biện pháp tài chính (Law Insider, 2022).

Trong quyển “Chiến lược kinh doanh hiệu quả” thuộc bộ sách “Cẩm nang kinh doanh Harvard”, tác giả cho rằng bằng những phép đo tỷ suất tài chính các doanh nghiệp biết được tình hình kinh doanh cũng như những nỗ lực quản lý; tuy nhiên tỷ suất tài chính không phải là điểm nhấn để làm động lực thúc đẩy sự phát triển mà chúng là kết quả của hàng loạt các hoạt động khác. Nó còn có thể gây ra sai lầm như các số đo lợi nhuận có vẻ tốt có thể là kết quả của việc cắt giảm nhiều hoạt động phát triển sản phẩm và huấn luyện nhân viên.

Đo lường hiệu suất dựa trên tỷ suất hoàn vốn (ROI)

Tỷ suất hoàn vốn còn được gọi là tỷ suất sinh lời của vốn đầu tư là tỷ lệ giữa lợi nhuận và vốn đầu tư sử dụng để tạo ra lợi nhuận đó. Kỹ thuật thực hành kế toán quản trị Tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) là một chỉ tiêu để đánh giá tình trạng lãi suất của một công ty kinh doanh, là thước đo phổ biến nhất được dùng để so sánh hiệu quả giữa sự đầu tư vào công việc kinh doanh này với sự đầu tư vào công việc kinh doanh khác. Giá trị ROI càng cao thì việc đầu tư càng hiệu quả.

Đo lường hiệu suất bằng thẻ điểm cân bằng

Trong khi các biện pháp tài chính được cho là còn nhiều hạn chế thì Kaplan, R.S. và Norton, D. đã phát triển ra thẻ điểm cân bằng để giúp các nhà quản lý cấp cao có cái nhìn toàn diện hơn về kinh doanh (Trường đại học Harvard, 2005, tr. 159).

Kỹ thuật thực hành kế toán quản trị Thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) là hệ thống đo lường hoạt động và kiểm soát chiến lược toàn diện được xây dựng dựa trên những công cụ đo lường hoạt động truyền thống trong kế toán.

Trong kỹ thuật này, Thẻ điểm cân bằng đề xuất rằng chúng ta phải xem xét một tổ chức từ 4 khía cạnh và xây dựng một hệ thống đo lường, thu thập các dữ liệu và phân tích chúng trong mối quan hệ giữa các khía cạnh với nhau: Tài chính, học hỏi & tăng trưởng, quy trình nội bộ doanh nghiệp và khách hàng.

Như vậy bên cạnh các số đo tài chính thì thẻ điểm cân bằng còn bổ sung thêm 3 khía cạnh khác có tác động đến hiệu suất tài chính trong tương lai; thẻ điểm cân bằng đánh giá cả chiến lược lẫn việc thực hiện chiến lược của công ty (Trường đại học Harvard, 2005, tr. 159).

Bài viết liên quan
Bình luận của bạn