Một số nghiên cứu về kế toán quản trị

Một số nghiên cứu về kế toán quản trị
5/5 - (3 votes)

Trong bài viết này mình sẽ lược khảo một số nghiên cứu về kế toán quản trị ở nước ngoài và tại Việt Nam, mình tạm chia các nghiên cứu sưu tầm được thành 3 loại, mời các bạn đọc bên dưới nhé!

1. Những nghiên cứu về kế toán quản trị ở nước ngoài

a) Những nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị

Šiška (2016) đã thực hiện một nghiên cứu về kế toán quản trị ở Cộng hòa Séc và sự tác động của nhân tố dự phòng trên cơ sở của lý thuyết dự phòng. Các biến đo lường thực hành kế toán quản trị gồm: Phân loại chi phí (cost classification), lập ngân sách hoạt động (operational budgeting), báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (operational performance reporting), kế toán quản trị chiến lược (strategic management accounting).

Các biến đo lường nhân tố dự phòng gồm: Sử dụng tương tác/chẩn đoán (interactive/diagnostic use), sự căng thẳng năng động (dynamic tension), quy mô (size), đặc tính dịch vụ (service character), công ty con (subsidiary) và sự cạnh tranh (competition). Từ kết quả tương quan hai biến, các nhân tố dự phòng như sử dụng tương tác, sử dụng chẩn đoán, quy mô, công ty con dường như có tiềm năng quan trọng. Các nhân tố dự phòng tiềm năng khác không cho thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê với các kỹ thuật kế toán quản trị.

Shahzadi và cộng sự (2018) đã thực hiện một nghiên cứu về kế toán quản trị ở Pakistan để chứng minh là việc tích hợp vận dụng kế toán quản trị là có sự phối hợp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài.

Nghiên cứu dựa trên lý thuyết dự phòng, các yếu tố bên ngoài gồm: Môi trường không chắc chắn (environmental uncertainty), cạnh tranh thị trường (market competition); các yếu tố bên trong gồm: Chiến lược cạnh tranh (competitive strategy), cơ cấu tổ chức (organizational structure), 5 công nghệ sản xuất tiên tiến (manufacturing technology), quản lý chất lượng toàn diện (total quality management), sản xuất tức thời (just in time).

Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ của việc vận dụng kế toán quản trị đối với môi trường không chắc chắn, công nghệ sản xuất tiên tiến, quản lý chất lượng toàn diện và sản xuất tức thời rất có ý nghĩa, còn đối với cạnh tranh thị trường và chiến lược cạnh tranh thì không đáng kể.

b) Sự phát triển và mức độ vận dụng của kế toán quản trị

Chenhall và Langfield-Smith (1998) đã thực hiện một nghiên cứu về kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn ở Úc. Kết quả cho thấy tỷ lệ áp dụng các kỹ thuật kế toán quản trị truyền thống cao hơn các kỹ thuật kế toán quản trị mới. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới hơn, chẳng hạn như chi phí dựa trên hoạt động, đã được chấp nhận rộng rãi hơn so với các cuộc khảo sát trước đây. Cùng với đó, lợi ích thu được từ các kỹ thuật kế toán quản trị truyền thống cũng cao hơn so với những kỹ thuật mới hơn.

Abdel‐Kader và Luther (2006) đã thực hiện điều tra các kỹ thuật thực hành kế toán quản trị trong ngành thực phẩm và đồ uống ở Anh. Trong bài nghiên cứu này tác giả đã xem xét 38 kỹ thuật thực hành kế toán quản trị được xếp thành năm nhóm: Hệ thống chi phí, lập ngân sách, đánh giá hiệu suất, thông tin để ra quyết định và phân tích chiến lược.

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy kế toán quản trị truyền thống vẫn đang được sử dụng và có những dấu hiệu cho thấy khả năng sử dụng ngày càng nhiều những kỹ thuật kế toán quản trị mới như thông tin liên quan đến chi phí chất lượng, các biện pháp phi tài chính liên quan đến nhân viên và phân tích điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, thẻ điểm cân bằng và các thước đo hiệu quả phi tài chính khác được coi là quan trọng nhưng đôi khi được công ty sử dụng. Tác giả cũng đã chỉ ra rằng có một số khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Armitage và cộng sự (2016) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm xác định mức độ sử dụng các kỹ thuật và công cụ kế toán quản trị phổ biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng Waterloo phía Tây Nam Ontario ở Canada và ở vùng Illawara của New South Wales ở Úc.

Việc vận dụng kế toán quản trị gồm 19 kỹ thuật được tác giả xem xét thuộc các nhân tố sau: Hệ thống chi phí (costing systems), hệ thống lập ngân sách (budgeting systems), báo cáo của trung tâm trách nhiệm (responsibility center report), phân tích để ra quyết định (analysis for decision making). Kết quả cho thấy việc vận dụng kế toán quản trị nơi đây ở mức độ khá cao.

Bên cạnh đó 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc áp dụng và sử dụng các kỹ thuật kế toán quản trị được xác định là: Tính hữu dụng của kỹ thuật này, sự phức tạp của môi trường hoạt động của các DNVVN, số năm hoạt 6 động của DNVVN. Tác giả cũng cho rằng có sự khác nhau về mức độ áp dụng kỹ thuật kế toán quản trị ở doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phi sản xuất.

Ahmad và Leftesi (2014) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm xem xét mức độ mà các KTQT truyền thống và tiên tiến đang được sử dụng trong các công ty sản xuất ở Libya. Trong nghiên cứu tác giả cho rằng việc vận dụng KTQT truyền thống như phân tích chi phí và phương sai tiêu chuẩn, lập ngân sách truyền thống và phân tích lợi nhuận khối lượng chi phí bị rất nhiều chỉ trích do đã lỗi thời và không phù hợp với môi trường sản xuất và kinh doanh mới ngày nay.

Do đó, để bắt kịp với môi trường sản xuất và kinh doanh mới, các tổ chức, bao gồm tổ chức Libya bắt buộc phải áp dụng các kỹ thuật kế toán quản trị tiên tiến như ABC, JIT, TQM, đánh giá vòng đời và chi phí mục tiêu. Đánh giá việc vận dụng KTQT theo mô hình dựa trên IFAC, nghiên cứu cho thấy hầu hết các công ty được khảo sát đều nằm ở giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai.

Hai giai đoạn cuối cùng được cho là công đoạn phức tạp hơn thì được tìm thấy rất thấp giữa các công ty sản xuất của Libya.

Cuzdriorean (2017) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị ở vùng Transylvania Romania nhằm xác định những công cụ nào đang được sử dụng bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các kỹ thuật thực hành kế toán quản trị gồm 49 kỹ thuật theo hai loại là thực hành kế toán quản trị truyền thống và thực hành kết toán quản trị hiện đại.

Kết quả cho thấy dù kế toán quản trị truyền thống được đánh giá là sử dụng nhiều hơn kế toán quản trị hiện đại, nhưng theo kết quả thì chỉ có 2/21 kỹ thuật được trên 80% số doanh nghiệp sử dụng; 3/21 kỹ thuật được trên 50% số doanh nghiệp sử dụng; 4/21 kỹ thuật được trên 30% số doanh nghiệp sử dụng và 6/21 kỹ thuật được trên 20% số doanh nghiệp sử dụng.

Có thể thấy con số này là rất thấp chỉ một khía cạnh nhỏ trong kế toán quản trị được khai thác sử dụng. Đối với kế toán quản trị truyền thống lý do lớn nhất (hơn 50% lựa chọn) khiến cho các doanh nghiệp không áp dụng là tốn thời gian, mức độ cam kết quản lý thấp (low – management commitment), hệ thống hiện tại không gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, hạn chế về tài chính.

Đối với kế toán quản trị hiện đại sự kháng cự mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần với 11/13 lý do khiến doanh nghiệp không thực hiện được lựa chọn trên 50%. Trong đó chi phí thực hiện cao là đến 92%.

Jaradat và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm xem xét việc sử dụng Thực hành kế toán quản trị trong các Doanh nghiệp vừa và nhỏ và tác động của chúng ở Jordan (Ả Rập). Trong nghiên cứu, tác giả đưa ra 37 kỹ thuật thực hành KTQT được xem xét thuộc 4 khía cạnh gồm: Thực hành chi phí, thực hành lập ngân sách, hệ thống đo lường hiệu suất và hệ thống hỗ trợ quyết định.

Kết quả cho thấy việc sử dụng các kỹ thuật kế toán quản trị cơ bản phổ biến 7 trong các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở Jordan, trong số các kỹ thuật này thường được sử dụng bao gồm các biện pháp hoạt động tài chính, hệ thống chi phí và hệ thống ngân sách. Các công cụ KTQT mới được sử dụng ít hơn.

Dù vậy, những người tham gia khảo sát cho rằng hệ thống truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu tự động hóa ngày càng cao trong sản xuất của công ty, hệ thống truyền thống đã không cung cấp thông tin hữu ích cho ban lãnh đạo.

Họ cũng nói thêm những trở ngại chính cản trở việc thực hành kế toán quản trị trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ là do đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao chưa có đủ kiến thức và nhận thức về thực hành KTQT; cũng có thể do hệ thống giáo dục kế toán ở Jordan vẫn dựa trên phương pháp học truyền thống; nhân viên không có đủ kỹ năng và kinh nghiệm. Ngoài ra họ cũng đề cập thêm nhiều rào cản như thiếu nguồn tài chính, yếu tố môi trường và tổ chức, công ty không có nhu cầu, v.v..

Xem thêm: Kế toán quản trị 1: Tóm tắt nội dung trọng tâm kiến thức

c) Những nghiên cứu về thay đổi trong vận dụng kế toán quản trị

Innes và Mitchell (1990) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm xem xét các yếu tố nào đã ảnh hưởng đến sự thay đổi kế toán quản trị trong các công ty ở miền Trung Scotland. Theo đó ba loại thay đổi trong kế toán quản trị được phân loại là: Thực hành định hướng thị trường (market-orientated practices) thể hiện qua các nỗ lực cạnh tranh về chi phí, thực hành đơn giản hoá chi phí (costing practices), và đo lường hiệu quả hoạt động (performance measurement).

Nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi được tác giả liệt kê gồm: Môi trường thị trường cạnh tranh và năng động, cơ cấu tổ chức, kỹ thuật sản xuất, cơ cấu giá thành sản phẩm, ảnh hưởng của việc quản lý, sự suy giảm khả năng tài chính và một số nhân tố khác hạn chế khả năng phát triển của kế toán quản trị cũng được đề cập như tình trạng thiếu nhân viên, khó tuyển dụng nhân viên mới, thiếu máy tính thích hợp, v.v..

Những người tham gia khảo sát cho rằng sự thay đổi về kế toán quản trị như thực hành một kỹ thuật kế toán quản trị mới giúp công ty họ thu được một tập hợp các lợi ích hoạt động, đồng thời cũng nâng cao vai trò tổ chức và địa vị của kế toán quản trị.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự thay đổi trong thực hành kế toán quản trị có liên quan đến một nhóm hoàn cảnh cụ thể, tác giả gọi là động cơ, chất xúc tác và người thúc đẩy. Sự tồn tại, tương tác của cả ba loại biến số này là nhân tố thúc đẩy và quyết định bản chất của sự phát triển thực tiễn kế toán quản trị.

O’Connor và cộng sự (2004) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm khám phá những yếu tố tác động đến việc áp dụng các thực hành toán quản trị của “phương Tây’’ vào các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Trong nghiên cứu này tác giả đã sử dụng lý thuyết thể chế (institutional theory) và lý thuyết đại diện (agency theory) làm nền tảng.

Qua đó tác giả đã đưa ra 9 giả thuyết rằng các 8 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc áp dụng kế toán quản trị của phương Tây phụ thuộc vào 9 nhân tố chia thành 3 nhóm gồm: Cấp độ môi trường vĩ mô (cạnh tranh thị trường), cấp độ thể chế (hợp đồng lao động có thời hạn, kinh nghiệm liên doanh, niêm yếu cổ phiếu và chính phủ), cấp độ tổ chức (quy mô, cấp quản lý, thời gian hoạt động, đào tạo).

Kết quả từ 2 cuộc phỏng vấn trước đó cho thấy các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tăng cường sử dụng kế toán quản trị trong khoảng thời gian diễn ra nghiên cứu này. Kinh nghiệm liên doanh được phát hiện làm tăng đáng kể việc áp dụng kế toán quản trị của phương Tây, cạnh tranh thị trường thì có ảnh hưởng không đáng kể. Các nhân tố khác cũng đều có ảnh tích cực đến việc áp dụng kế toán quản trị ngoại trừ thời gian hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng tiêu cực.

Tuan Mat và cộng sự (2010) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm khám phá những thay đổi cũng như mối liên hệ tiềm ẩn giữa các nhân tố môi trường, thực hành kế toán quản trị và các nhân tố tổ chức trong các công ty sản xuất của Malaysia ở thung lũng Klang.

Để giải thích cho sự thay đổi của kế toán quản trị bài nghiên cứu xem xét ba nhân tố là nhân tố động lực, nhân tố tổ chức và nhân tố tài chính. Trong đó nhân tố động lực gồm môi trường và công nghệ, nhân tố tổ chức gồm cơ cấu tổ chức và chiến lược, các nhân tố tài chính được sử dụng làm kết quả của kế toán quản trị và thay đổi tổ chức.

Qua phân tích tương quan kết quả cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa thực hành kế toán quản trị, cấu trúc và chiến lược với môi trường cạnh tranh, công nghệ cũng như hiệu suất. Tác giả cho rằng khi công nghệ ngày càng tiên tiến, kế toán quản trị truyền thống cần được thay thế bằng các kỹ thuật mới có thể đối phó với sự thay đổi trong quy trình sản xuất cũng như cơ cấu chi phí.

Bạn đang xem Một số nghiên cứu về kế toán quản trị

2. Những nghiên cứu về kế toán quản trị ở Việt Nam

a) Những nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị

Thái Anh Tuấn (2019) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm mục đích đánh giá mức độ áp dụng KTQT và các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT ở các doanh nghiệp khu vực miền Bắc Việt Nam. Các nhân tố ảnh hưởng đến KTQT được tác giả xem xét trong mô hình gồm: Cạnh tranh, phân quyền, công nghệ thông tin, sự quan tâm của nhà quản trị, trình độ nhân viên kế toán.

Kết luận nghiên cứu cho thấy “Phân quyền quản trị trong DN” là nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến việc áp dụng các kỹ thuật KTQT trong DN tiếp theo đó là “Trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán”. Các nhân tố còn lại cũng đều tác động có ý nghĩa thống kê đến việc áp dụng các kỹ thuật KTQT trong các DN miền Bắc Việt Nam.

Lê Thị Mỹ Nương (2020) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQTCL và tác động của thực hiện KTQTCL đến thành quả trong DNSX tại Việt Nam. Các biến độc lập trong nghiên cứu gồm: Nhận thức về thị trường kinh doanh, chiến lược kinh doanh, công nghệ, văn hoá DNSX, trình độ nhân viên KTQT, phân cấp quản lý, thực hiện KTQTCL.

Biến thực hiện KTQTCL vừa là biến độc lập vừa là biến phụ thuộc chịu sự tác động của các biến vừa nêu, biến phụ thuộc là thành quả hoạt động. Kết luận từ nghiên cứu cho thấy văn hóa DNSX hỗ trợ và hướng về mục tiêu của DNSX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện KTQTCL trong DNSX. Tiếp theo là nhân tố nhận thức về thị trường kinh doanh đóng một vai trò quan trọng trong mô hình tạo động lực cho KTQTCL.

Kế đến chiến lược kinh doanh tấn công của doanh nghiệp sản xuất ảnh hưởng cùng chiều đến KTQTCL. Tiếp theo nữa, công nghệ càng tiên tiến thì thực hiện KTQTCL trong DNSX càng tăng. Tiếp đó doanh nghiệp phân cấp quản lý càng cao thì càng thúc đẩy DNSX thực hiện KTQTCL. Cuối cùng trình độ nhân viên kế toán quản trị ảnh hưởng cùng chiều đến KTQTCL.

Le Thi Tu Oanh và cộng sự (2020) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam. Sáu nhân tố được kiểm tra trong nghiên cứu gồm: Quy mô doanh nghiệp, môi trường bên ngoài, ý kiến của các nhà quản lý, cơ cấu tổ chức, công nghệ, văn hoá tổ chức.

Biến phụ thuộc là áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Trong đó thực hành kế toán quản trị được chia theo 4 chức năng: Lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá, ra quyết định. Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường kinh doanh có tác động xấu đến việc áp dụng kế toán quản trị, theo đó mức độ cạnh tranh về đối thủ cạnh tranh, thị phần/doanh thu, giá cả, số lượng đối thủ trong cùng một phân khúc thị trường càng cao thì mức độ áp dụng kế toán quản trị càng thấp.

Các nhân tố còn lại đều có ảnh hưởng tích cực đối với việc áp dụng kế toán quản trị theo thứ tự từ lớn đến bé là quy mô, văn hoá tổ chức, cơ cấu tổ chức, công nghệ, ý kiến của các nhà quản lý.

b) Sự phát triển và mức độ vận dụng của kế toán quản trị

Nguyễn Thị Sương (2015) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm khảo sát mức độ vận dụng KTQT trong các DNVVN trên địa bàn tỉnh Đà Nẵng. Biến phụ thuộc gồm Hệ thống chi phí, hệ thống dự toán, hệ thống đánh giá thành quả, hệ thống hỗ trợ ra quyết định, hệ thống KTQT chiến lược.

Biến độc lập gồm: Cạnh tranh, phân cấp quản lý, trình độ của các đối tượng có liên quan đến hoạt động KTQT, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý. Kết quả cho thấy các kỹ thuật thực hành kế toán quản trị như dự toán doanh thu, dự toán lợi nhuận, dự toán sản xuất, tính giá theo phương pháp toàn bộ có tỷ lệ áp dụng khá cao so với nghiên cứu khác trong nước và trong khu vực. Các kỹ thuật thực hành KTQT liên quan đến các chức năng đánh giá thành quả, hỗ trợ ra quyết định, chiến lược thì lại được áp dụng khá thấp.

Về các nhân tố ảnh hưởng đến thực hành kế toán thì các nhân tố Cạnh tranh, Phân cấp quản lý, Trình độ của các đối tượng có liên quan đến hoạt động KTQT có tác động tích cực đến việc thực hành KTQT, còn ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý thì chưa đủ cơ sở để khẳng định.

Trần Hồng Vân (2020) đã thực hiện nghiên cứu về kế toán quản trị nhằm đánh giá mức độ vận dụng KTQTCL trong các doanh nghiệp Việt Nam. Các kỹ thuật KTQTCL được khảo sát gồm 5 nhóm là: Chi phí, lên kế hoạch, kiểm soát và đo lường hiệu quả, ra quyết định chiến lược, kế toán đối thủ cạnh tranh, kế toán khách hàng. Kết quả nghiên cứu đã được tác giả so sánh trên nhiều phương diện.

So với các nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới với các kỹ thuật KTQTCL tương tự thì mức độ áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác. Kết luận chung từ tác giả là mức độ áp dụng kế toán quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp còn rất thấp, tuy nhiên đã có dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp rất quan tâm thông tin hướng ra bên ngoài.

c) Những nghiên cứu về thay đổi trong vận dụng kế toán quản trị

Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu về đến kế toán quản trị, tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu về kế toán quản trị nào cụ thể cho thấy việc thực hành kế toán quản trị tại Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào qua thời gian. Cũng có thể do sự hạn chế về tiếp cận tài liệu. Nhiều tài liệu có đề cập đến nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Dung (2014) về KTQT trong các DN đồ uống Việt Nam ở giai đoạn nào. Kết quả cho thấy các DN lớn áp dụng ở giai đoạn 3 và 4; các DN nhỏ đang ở giai đoạn 1 và 2.

Bài viết liên quan
Bình luận của bạn