Cách tính thuế TNCN – Quyết toán thuế TNCN có 2 nơi thu nhập

Quyết toán thuế TNCN có 2 nơi thu nhập
5/5 - (1 vote)

Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN có 2 nơi thu nhập khác nhau cho cá nhân và quyết toán thuế TNCN trong trường hợp này có được cung cấp trong các văn bản quy định liên quan. Ngoài ra, cách đóng bảo hiểm xã hội cho thu nhập 2 nơi cũng được quy định rõ ràng. Thư Viện Kế Toán sẽ giúp trích dẫn các văn bản liên quan đến vấn đề này.

I. Tính thuế TNCN khi có 2 nơi thu nhập khác nhau:

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, khi có 2 nơi thu nhập trở lên và ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, cá nhân tính thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Nếu có 2 nơi thu nhập trở lên và ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, và thu nhập từ mỗi nơi trả lương, tiền công đạt mức 2.000.000 đồng/lần trở lên, cá nhân phải khấu trừ 10% trên tổng thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập đạt mức này nhưng ước tính tổng mức TN chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế TNCN, thì cá nhân có TN làm cam kết và gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân phải đăng ký thuế và có MST tại thời điểm cam kết.

Ví dụ 1:

  • Ông D làm việc tại Công ty A với hợp đồng lao động trên 3 tháng, do đó Công ty A sẽ tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.
  • Ông D cũng làm việc tại Công ty B với những trường hợp sau:
    • Nếu hợp đồng lao động tại Công ty B có thời hạn lớn hơn 3 tháng thì Công ty B sẽ tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.
    • Nếu hợp đồng lao động tại Công ty B có thời hạn dưới 3 tháng thì có 2 trường hợp: a) Nếu mức lương < 2 triệu đồng/lần hoặc/tháng thì không khấu trừ thuế TNCN. b) Nếu mức lương từ 2 triệu đồng/lần hoặc/tháng trở lên thì Công ty B phải khấu trừ 10% thuế TNCN trên thu nhập trước khi trả cho ông D (không được làm cam kết thứ 2).

II. Tính giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc:

Theo khoản 1 điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về việc giảm trừ gia cảnh:  

“c.1.1) Người nộp thuế có nhiều nguồn TN từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

i) Trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần. TH người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kd thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như TH đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều này.”

Theo Công văn 34683/CT-TTHT ngày 26/05/2017 của cục thuế TP Hà Nội, nếu cá nhân ký hợp đồng lao động trên ba tháng ở hai nơi, thì cá nhân có thể giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một cơ quan chi trả TN và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại cơ quan chi trả TN khác. Việc giảm trừ gia cảnh này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế TNCN của cá nhân nếu vẫn đảm bảo nguyên tắc theo hướng dẫn tại Điểm c khoản 1 Điều 9 TT số 111 năm 2013/TT-BTC.

Tóm lại:

– Người nộp thuế có 2 nơi thu nhập trở lên chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

– Nếu cá nhân ký hợp đồng lao động trên ba tháng ở hai nơi, có thể giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc tại hai cơ quan chi trả thu nhập khác nhau. Cần đăng ký tại từng công ty để được giảm trừ.

Ví dụ 2:

  • Ông C ký hợp đồng lao động > 3 tháng với Cty A và đã giảm trừ bản thân tại Công ty A. Công ty A sẽ tính thuế TNCN cho ông C theo biểu lũy tiến từng phần và không giảm trừ bản thân cho Ông C nữa ở Công ty B.
    -> VD: Nếu mức lương của ông C ở Công ty B là 5tr/tháng thì thu nhập tính thuế là 5tr (không giảm trừ bản thân nữa, vì đã giảm trừ ở Công ty A rồi).
  • Ông C ký hợp đồng với Công ty B tùy từng TH cụ thể như sau:
    a) Nếu ký hợp đồng lao động > 3 tháng thì Cty B cũng tính theo biểu lũy tiến từng phần nhưng không giảm trừ bản thân cho Ông C nữa.
    b) Nếu ký hợp đồng lao động < 3 tháng thì có 2 trường hợp:
    – Nếu mức lương < 2tr/ lần hoặc tháng thì không khấu trừ thuế TNCN.
    – Nếu mức lương từ 2tr/ lần hoặc tháng thì phải khấu trừ 10% (không được làm cam kết 02).
  • Ông C có thể đăng ký tại Công ty A hoặc tại Công ty B nếu muốn đăng ký giảm trừ người phụ thuộc.

Ví dụ: Bà K có 2 nơi thu nhập, đó là Công ty A và Công ty B với mức lương lần lượt là 18 triệu và 15 triệu đồng/tháng. Bà K đã đăng ký giảm trừ bản thân tại Công ty A và đóng BHXH tại đây. Cách tính thuế TNCN cho Bà K tại hai công ty như sau:

  1. Tại Công ty A:
  • Tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần:
    • Thu nhập tính thuế = 18 triệu – 11 triệu (giảm trừ bản thân) = 7 triệu (thuộc Bậc 2)
    • Thuế TNCN phải nộp = 10% x 7 triệu – 250 nghìn = 450 nghìn đồng.
  1. Tại Công ty B:
  • Tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần:
    • Thu nhập tính thuế = 15 triệu (Vì đã giảm trừ bản thân tại Cty A, nên không được giảm trừ bản thân ở Cty B nữa) (thuộc Bậc 3)
    • Thuế TNCN phải nộp = 15% x 15 triệu – 750 nghìn = 1 triệu 500 nghìn đồng.

Nếu Bà K có người phụ thuộc, bà có thể đăng ký giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc tại Công ty A hoặc B. Tuy nhiên, bà K không được ủy quyền mà phải tự đi quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế. Cả Công ty A và B sẽ cấp cho bà K các chứng từ khấu trừ thuế TNCN.

III. Quyết toán thuế TNCN cho thu nhập từ hai nơi:

Theo Công văn 801/TCT-TNCN ngày 02/03/2016 của Tổng cục Thuế, tổ chức trả lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN thay cho cá nhân có uỷ quyền, dù có hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức không trả lương, tiền công trong năm thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

Với cá nhân có TN từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lđ từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả TN, đồng thời có TN vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 trđ đã được đvị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%, nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai này thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức đã trả thu nhập ký hợp đồng lđ từ 03 tháng trở lên.

Trong trường hợp cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân phải tự trực tiếp khai quyết toán với cơ quan thuế.

Ví dụ 4: Trong năm 2021, Bà A có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lđ dài hạn tại Cty X, đồng thời cũng có TN vãng lai tại các nơi khác là 90 trđ đã được khấu trừ thuế TNCN 10%. Theo đó, TN vãng lai bình quân tháng trong năm 2021 của Bà A là (90 triệu đồng : 12 tháng = 7,5 trđ/tháng) nhỏ hơn 10 trđ.

Nếu Bà A không yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai 90 triệu đồng trên, Bà A có thể ủy quyền quyết toán thuế năm 2021 cho Cty X. Tuy nhiên, Công ty X chỉ có trách nhiệm quyết toán thuế đối với phần thu nhập mà họ đã trả cho Bà A.

Nếu Bà A có nhu cầu quyết toán thuế đối với cả hai phần thu nhập (tại Công ty X và phần thu nhập vãng lai trên), Bà A phải tự đi quyết toán thuế với cơ quan thuế quản lý Công ty X (vì thời điểm quyết toán Bà A đang làm việc tại Công ty X).

Theo Công văn số 3556/TCT-DNNCN ngày 17/9/2021 của Tổng cục Thuế, nếu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lđ từ 03 tháng trở lên tại một đvị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa được khấu trừ thuế (bao gồm cả TH chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ), thì cá nhân không được ủy quyền quyết toán thuế mà phải tự đi khai quyết toán thuế TNCN đối với cả hai phần TN này.

Ví dụ 5:

Trong năm 2021, Ông B có TN từ tiền lương theo hợp đồng lđ trên 03 tháng tại Cty M và được giảm trừ bản thân tại đây. Ông cũng có thu nhập vãng lai tại Cty N là 20 triệu đồng trong tháng 3/2021, đã khấu trừ thuế 10%. Trong tháng 10/2021, Ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty K là 1,5 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế.

Do có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế, nếu Ông B thuộc diện quyết toán thuế thì Ông B sẽ không ủy quyền quyết toán tại Công ty M, mà phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là cơ quan thuế quản lý đvị chi trả thu nhập mà Ông B đã đăng ký giảm trừ gia cảnh (tức là cơ quan thuế quản lý Cty M). Tuy nhiên, nếu thời điểm quyết toán mà Ông B nghỉ làm thì nộp hồ sơ tại cơ quan thuế nơi cư trú.

Công ty N và K có trách nhiệm cung cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN để làm căn cứ thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế.

IV. Hướng dẫn đóng BHXH, BHYT và BHTN đối với cá nhân có thu nhập từ 2 nơi khác nhau

Theo Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nếu người lao động có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau, thì việc đóng BHXH và BHTN sẽ theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, còn đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất. Tuy nhiên, việc đóng BHTNLĐ và BNN sẽ phải tuân theo từng HĐLĐ.

Vì vậy, nếu cá nhân có 2 nơi thu nhập trở lên, họ sẽ phải đóng BHXH và BHTN tại nơi ký HĐLĐ đầu tiên, và đóng BHYT tại nơi ký HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.

>> Xem thêm: Quy định về Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh năm 2024

Bài viết liên quan
Bình luận của bạn